Tại Hội Hoa Xuân Nhâm Thìn 2012 diễn ra tại Công viên Tao Đàn TPHCM, tiểu cảnh Thiên long lạc cảnh tại khu non bộ đã thu hút đông đảo khách thưởng ngoạn. Ông Bùi Đức Tầm, cố vấn Bộ môn Đá cảnh - Cây khô của hội hoa Xuân, cho biết: “Đây là tác phẩm độc đáo trong hội hoa Xuân năm nay. Chỉ cần nhìn vào đó, du khách sẽ thấy được ý nghĩa của một mùa Xuân với biểu tượng rồng bay như vận may trong dịp năm mới”.
Tác phẩm của niềm đam mê
Tác phẩm Thiên long lạc cảnh được làm từ lõi cây sao có chiều dài gần 10 m, nặng khoảng 6 tấn với hình rồng uốn lượn. Trên thân rồng được bố trí nhiều tiểu cảnh là những cây tùng tạo nên mô hình núi rừng Tây Nguyên trùng điệp. Dưới gốc tùng, bên cạnh dòng suối chảy róc rách là những viên đá trầm tích, đầu nguồn suối là miệng rồng được chạm trổ tinh vi… Tất cả được sắp đặt hài hòa tạo nên phong cảnh núi rừng vừa hùng vĩ vừa yên ả.
Người tạo nên tác phẩm này là anh Đỗ Duy Đạo (chủ sơ sở Duy Đạo - Di Linh, Lâm Đồng), một nghệ nhân nổi tiếng của Bộ môn Cây khô. Năm nào anh cũng có những tác phẩm tô điểm sắc xuân cho Hội Hoa Xuân Tao Đàn. Chỉ riêng hội hoa Xuân năm nay, ngoài tác phẩm Thiên long lạc cảnh, anh còn nhiều tác phẩm khác như Bát tiên quá hải, Mộc đà điểu, Anh hùng độc lập. Ngoài tác phẩm Thiên long lạc cảnh đoạt giải hiện vật đặc sắc, hai tác phẩm Mộc đà điểu và Anh hùng độc lập cũng đoạt giải vàng ở Bộ môn Cây khô. Còn tác phẩm Bát tiên quá hải điêu khắc 8 vị tiên cưỡi thuyền rồng thì đoạt luôn giải đồng.Sáng tạo từ những thứ bỏ đi
Quê Đỗ Duy Đạo ở Thanh Hóa. Từ nhỏ, anh đã đam mê làm gỗ nhưng mãi đến khi vào Di Linh, Lâm Đồng năm 1990, anh mới chính thức mưu sinh với nghề. Đầu tiên, anh làm bàn ghế, salon để cung cấp cho thị trường. Trong quá trình làm nghề, anh nhận ra ở Di Linh có rất nhiều lõi cây rất đẹp nhưng người dân thường bỏ đi hay vứt ở góc nhà. Anh chợt nảy ra ý nghĩ biến những gốc cây khô ấy thành tác phẩm nghệ thuật như một thú vui trong lúc rảnh rỗi. Vậy là những tác phẩm rồng, tiên, Phật… được anh sáng tạo đã có mặt khắp cơ sở. Năm 2003, nghe bạn bè bảo TPHCM có tổ chức hội hoa Xuân để mọi người đưa tác phẩm vào thi tài, anh quyết định tham dự. Anh vui vẻ nhớ lại: “Lần ấy tôi đoạt luôn giải bạc và đồng. Tôi vui quá và quyết định tiếp tục sáng tác, phát triển nghề”.
Hơn 20 năm theo nghề điêu khắc, anh không chỉ cung cấp tác phẩm cho các hội hoa Xuân mà còn đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả nước; trong đó có nhiều khu du lịch như Thiên Đàng (Quảng Ngãi), Thung Lũng Vàng (Đà Lạt)... Theo anh, tác phẩm đẹp phải có bố cục hài hòa. Người thực hiện phải tận dụng được nét đặc biệt của từng lõi cây mà sáng tạo nên tác phẩm phù hợp. Ở bộ môn cây khô, một tác phẩm đẹp phải thật tự nhiên, phù hợp với hình dáng của lõi cây ban đầu.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc đối với anh là lần thực hiện tác phẩm Thiên long để tham gia Lễ hội Ngàn năm Thăng Long. Tác phẩm Thiên long cũng được làm từ lõi cây có chiều dài 5,5 m; cao 2,2 m; nặng hơn 2 tấn. Từ những nét uốn éo của rễ cây, anh đã làm nên tác phẩm rồng thiêng với nhiều họa tiết đặc sắc. Khó khăn nhất là việc vận chuyển tác phẩm ra Hà Nội. “Trải qua đoạn đường dài cả ngàn cây số với rất nhiều khó khăn, cuối cùng chúng tôi cũng đưa được tác phẩm đến với lễ hội. Khi thấy tác phẩm, nhiều du khách đã khen ngợi và hỏi mua. Tôi càng tự hào hơn với những gì mình đã bỏ ra trong suốt thời gian dài cho tác phẩm”.
Ông Bùi Đức Tầm nhìn nhận: Không chỉ đam mê nghề mà anh Đỗ Duy Đạo hết lòng với nghề. Bằng sự sáng tạo của mình, anh đã tạo ra những tác phẩm đẹp cho đời và truyền kiến thức của mình lại cho rất nhiều bạn trẻ. |